Tập đoàn ôtô châu Âu ngại các hãng xe Trung Quốc

Giám đốc điều hành của Stellantis, Carlos Tavares, cảnh báo ngành công nghiệp ôtô châu Âu đang đứng trước cuộc cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.

 

Nếu các chính trị gia châu Âu không tìm thấy câu trả lời của việc thâm nhập vào châu Âu của các hãng xe Trung Quốc, thì đó là “một cuộc chiến kinh khủng”, Tavares nói với nhật báo Automobilwoche (Đức) bên lề triển lãm CES 2023 tại Las Vegas, Mỹ.

Ngành công nghiệp ôtô châu Âu có thể phải giảm mạnh sản lượng trước cuộc cạnh tranh đang ngày một gay gắt đến từ Trung Quốc, Tavares nói. Các hãng xe của quốc gia Đông Á đang bành trướng ở châu Âu với các mẫu xe có mức giá hấp dẫn và rất cạnh tranh.

( Những chiếc MG4 thuần điện được đưa từ Trung Quốc sang Châu Âu hồi tháng 9/2022 )

“Mức giá khác nhau về giá bán giữa xe châu Âu và Trung Quốc là rất có ý nghĩa. Nếu không cò gì thay đổi trong tình cảnh hiện nay, sẽ có ngày càng nhiều khách hàng châu Âu thuộc tầng lớp trung lưu quay sang với các mẫu xe Trung Quốc. Sức mua của nhiều người ở châu Âu đang giảm đáng kể”, Tavares nói.

Bình luận của Tavares cũng giống với những gì mà Patrick Koller, CEO của Forvia – nhà cung cấp linh kiện lớn cho ngành công nghiệp ôtô – đã nói ở Las Vegas, rằng các hãng xe châu Âu phải phát triển các mẫu xe điện hạng nhỏ giá hợp lý cho việc sử dụng ở nội đô.

Các quy định về khí thải của châu Âu không mấy giúp ích cho các hãng xe. “Các quy định ở châu Âu đảm bảo rằng xe điện sản xuất ở châu Âu đắt hơn khoảng 40% so với các mẫu tương ứng được làm ở Trung Quốc”, Tavares nhận xét.

Nếu EU không thay đổi, thì ngành công nghiệp ôtô châu Âu sẽ hứng chịu điều tất yếu giống với ngành công nghiệp pin năng lượng mặt trời châu Âu, Tavares cảnh báo. “Tôi nghĩ chúng ta đã thấy kịch bản này trước đây. Một kịch bản rất ảm đạm. Nhưng nó sẽ không đi theo hướng đó”.

MG của SAIC, BYD, Zeekr của Geely và startup Nio nằm trong số các hãng xe Trung Quốc đang nhắm tới khách hàng châu Âu với các mẫu xe điện họ mang đến. Và có hai lối đi mà người châu Âu có thể theo.

“Nếu giữ thị trường châu Âu mở, thì sẽ không có lựa chọn: chúng ta phải chiến đấu trực tiếp với các đối thủ Trung Quốc. Và điều này áp dụng cho toàn bộ chuỗi giá trị trong ngành”.

Hậu quả vì thế cũng có thể rất đáng kể, như là những quyết định không phổ biến. Sản lượng có thể bị cắt giảm và các nhà máy có thể phải dịch chuyển để phù hợp hơn với bối cảnh.

Còn lựa chọn khác, theo Tavares, là “tái công nghiệp hóa” châu Âu, để mang trở lại các chuỗi sản xuất cũng như ngành công nghiệp đã bị đánh mất. Vị CEO cũng cho rằng vẫn còn nhiều việc để làm ở châu Âu, và sau đó có thể phải cần đến một chính sách thương mại khác.